[tintuc]
Câu chuyện của những chiếc đồng hồ cũ vài trăm triệu
Những chiếc đồng hồ đeo tay, để bàn hay đồng hồ tủ cũ rích có thể có giá lên tới 200-300 triệu, thậm chí 500 triệu, đắt hơn những chiếc đồng hồ thời thượng nhiều. Đằng sau chúng là một thú chơi còn ở dạng “phong trào” nhưng vô cùng sôi động
Nỗi ám ảnh thời gian
Nếu chỉ đơn thuần là xem giờ thì người dùng chỉ cần một chiếc đồng hồ Quartz hay đơn giản hơn nữa là xem giờ trên điện thoại di động. Một chiếc Casio hay một chú Swatch thì khả năng chính xác giờ và chịu được những tác động bên ngoài chắc hẳn ăn đứt mấy ông lão Omega, Movado, Hamilton, Bulova... chứ còn chưa kể đến mấy ông lọm khọm như Seiko, Poljot, SK...
Thế nhưng tại sao những người yêu thích đồng hồ vẫn chọn những dòng vintage (những chiếc đồng hồ 3C: cơ, cũ và cổ)?
| ||
Một chiếc đồng hồ để bàn của Pháp sản xuất cuối TKXIX, vỏ đúc bằng đồng 2 tông màu, mặt men. |
Nó là một thú chơi, một tình yêu, một hoài niệm! Và nếu vậy thì bản thân nó đã là một khái niệm khó nắm bắt và giải thích. Giá trị thật sự ở đây nằm ở đâu? Độ quý hiếm, dấu ấn lịch sử hay một trào lưu? Câu trả lời có thể là tựu chung của tất cả các yếu tố đó!
Đồng hồ treo tường GB 3 tạ cước của Đức, sản xuất cuối thế kỷ XIX, vỏ gỗ, phù điêu đồng, mặt men, cốt đồng. |
Đồng hồ Ridgeway của Mỹ, sản xuất thập niên 1970 của TK 20, vỏ làm bằng gỗ sồi, mặt số do nghệ nhân Hà Lan vẽ thủ công, chạy máy 8 ngày lên dây cót 1 lần, 12 gông, 3 bản nhạc. |
Chỉ biết rằng những người theo đuổi thú chơi đồng hồ 3C cứ mỗi ngày một đông hơn. Họ sống chậm với những nhịp đập thời gian thổn thức qua từng ngày, vui thú với những vòng xoay dây cót và mãn nguyện chào tạm biệt những chiếc đồng hồ 3C yêu thích trước khi kết thúc một ngày làm việc vất vả. Với họ, chơi đồng hồ 3C mới thật sự đáng chơi, nó là một thực thể sống và gắn bó, đòi hỏi mình phải quan tâm đến nó thường xuyên. Vì thật đơn giản, nếu không chú ý, không lên dây cót, không đeo thường xuyên, nó sẽ chết.
Và cứ vậy, nỗi ám ảnh mỗi lúc một dày thêm. Có người gọi đó là "nỗi ám ảnh về thời gian."
Thế nào là đồng hồ cổ?
Có thể khẳng định, quãng 5 năm đổ lại đây, thú chơi đồng hồ 3C đã trở thành một trào lưu tương đối thịnh hành. Người chơi thì đủ tầng lớp khác nhau: từ anh sinh viên mới ra trường, giới công chức tới các bác trung niên, cán bộ về hưu hay chủ các doanh nghiệp… Tất cả đều có niềm đam mê thật sự và ở một góc độ nào đó, có cả đức tính khiêm tốn, ham học hỏi - những thứ rất cần thiết đối với những ai yêu thích đồng hồ cơ, cũ, cổ. Song, lạ một điều, họ thường tự tin cho rằng mình đang nắm giữ một (hoặc nhiều) chiếc đồng hồ cổ, rất hiếm gặp và nguyên zin 100%.
Omega Grand Luxe, sản xuất thập niên 50 TK XX, vỏ đúc vàng 18K, mặt số ruộng bậc thang, một tuyệt phẩm được giới sưu tầm săn lùng. |
Đồng hồ Cuckoo của Đức, toàn bộ vỏ làm thủ công từ gỗ vùng Rừng Đen (Đức). |
Đồng hồ cũ, rất cũ nhưng cũng không thể gọi là cổ được nếu niên đại của nó chỉ từ 100 năm đổ lại đây. Cái này, nước ngoài họ qui định rất rạch ròi: antique (đồ cổ) chỉ dành cho những cái trên 100 năm, vintage (đồ cũ) dành cho hàng từ 10 năm đến dưới 100 năm và pre-owned (đồ đã qua sử dụng) là hàng mới sản xuất gần đây nhưng đã qua tay người khác. Mà ở Việt Nam thì rất khó kiếm được một chiếc đồng hồ cổ với đúng nghĩa của từ này, chứ chưa nói đến đã cổ lại còn có một không hai, hiếm có khó tìm.
Gần đây, khi khoảng cách Đông – Tây ngày càng thu hẹp, cũng đã có một số chiếc đồng hồ cổ, quí, có “khai sinh” kiểm định rõ ràng, du nhập vào Việt Nam nhưng số đó không nhiều và những người sở hữu nó thường không muốn giao lưu hoặc công bố trước dư luận.
Đồng hồ để bàn Quả lê của Thụy Sỹ, sản xuất thập niên 1950 của TK 20, vỏ làm bằng gỗ, sơn mài, mặt số bằng đồng, men hạt. |
Cũng không nên mặc định đồng hồ cổ là phải thật sự cũ kỹ, xấu xấu bẩn bẩn. Thực tế có nhiều chiếc sau hơn 1 thế kỉ tồn tại nhưng vẫn còn rất mới, thậm chí là mới nguyên. Khái niệm này ở nước ngoài dùng chữ NOS (New Old Stock) - hàng tồn kho lâu năm. Đó là những chiếc đồng hồ còn mới tinh nguyên hộp (đồng hồ đeo tay, quả quýt), vỏ thơm mùi gỗ, máy móc sáng choang, mặt không tì vết (đồng hồ để bàn, treo tường) mà vì lý do nào đó chủ nhân cũ của nó chưa từng sử dụng hoặc bảo quản trong điều kiện cực kì lý tưởng. Những chiếc loại này được giới sưu tầm đồng hồ trên thế giới đặc biệt săn tìm và một khi đã sở hữu rồi thì không giá nào có thể đánh đổi được.
Vậy nên mới có khái niệm chơi đồng hồ 3C tức là đồng hồ: cơ, cũ và cổ.
Chơi kiểu… “bầy đàn”
Một thành viên trên diễn đàn đồng hồ có tiếng của Việt Nam có lần tâm sự rằng: “Chẳng đâu chơi đồng hồ như kiểu Việt Nam mình? Thích bằng được, chơi bằng được, mua bằng mọi giá và cuối cùng là ... chán vì nhiều lẽ”. Điều này là hoàn toàn chính xác. Nhiều người đang cổ xúy nhau chơi đồng hồ theo kiểu phong trào, bầy đàn. Người Tây gọi cách chơi này là: Vietnamese style, anh có tôi phải có, “con gà tức nhau tiếng gáy”.
Mặt số đồng hồ tủ của Pháp, còn gọi là mặt men hạt, cốt đồng. Ra đời từ thế kỷ 18 |
Ở các chợ trời bên Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, hễ cứ nhìn thấy người châu Á là mấy anh Tây nói luôn: “Xin chào, xin chào, Odo, Junghans (tên các hãng đồng hồ treo tường danh tiếng bậc nhất), ok!” Đã có lúc những người Việt Nam tưởng rằng có thể đem toàn bộ đồng hồ cổ quí hiếm ở trời Âu về đất Việt và quả thực cái cách họ xuống tiền cũng khiến cho ối nhà sưu tập có sừng có mỏ trên thế giới và khu vực phải kiềng nể. Nhưng sự thật họ vẫn chỉ đạt đến tầm cỡ tay chơi ở dạng ... phong trào, theo đúng nghĩa nhất của từ này.